26.1 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Bảy, Tháng 7 26, 2025

Lãnh đạo phường dùng robot AI phục vụ dân, giảm áp lực cho công chức

Must read

Đưa robot phục vụ hành chính công

Tại tọa đàm “Chuyển đổi số – Cầu nối “sống còn” giữa hai cấp chính quyền địa phương“, Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam (Hà Nội) Trịnh Ngọc Trâm kể lại, trước ngày 1/7 cán bộ, công chức phường có 10 ngày vận hành thử nghiệm 2 cấp chính quyền.

“Chúng tôi đã lập 1 phòng giả định để triển khai thực hiện hành chính công. Tại đó, chúng tôi đặt ra rất nhiều tình huống có thể triển khai trong ngày đầu tiên. Trong quá trình thử nghiệm đó, rất nhiều tồn tại, khó khăn được chỉ ra và chúng tôi đã tổng hợp lại để cùng nhau tháo gỡ”, bà Trâm chia sẻ. 

Chính nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng này, khi vận hành vào ngày mùng 1/7, cán bộ, công chức phường Cửa Nam không gặp nhiều vướng mắc.

Với sứ mệnh chính quyền gần dân, sát dân, bên cạnh việc trang bị những kiến thức, kỹ năng cho cán bộ thì công chức phường cũng trăn trở làm gì để người dân cảm thấy hài lòng về chính quyền cơ sở.

Lãnh đạo phường dùng robot AI phục vụ dân, giảm áp lực cho công chức - 1

Bà Trịnh Ngọc Trâm, Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam (Ảnh: Nhật Bắc).

Cán bộ phường này đã dày công trao đổi cùng các chuyên gia, các trường đại học, xin ý kiến các cấp lãnh đạo về việc đưa robot AI phục vụ hành chính công.

“Chính vì vậy, người dân được trang bị, tiếp cận với nền tảng công nghệ sẽ tạo thuận lợi cho chúng ta triển khai khoa học, công nghệ vào đời sống”, bà Trâm chia sẻ.

Thực tiễn triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp ở các địa phương qua việc nắm tình hình, tổng hợp của Bộ Nội vụ, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cho biết, mới vận hành được hơn 3 tuần nhưng bước đầu bộ máy mới đã có những kết quả rất tích cực.

Theo ông Tuấn, điều này cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong tổ chức mô hình chính quyền địa phương mới – chính quyền địa phương 2 cấp.

Cấp xã cũng đã quan tâm hoàn thiện đồng bộ, tổ chức hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền địa phương cấp xã theo mô hình mới. UBND của 3.321 đơn vị cấp xã trên cả nước đã tổ chức bộ máy, thành lập các cơ quan chuyên môn, trong đó có Trung tâm Phục vụ hành chính công – nơi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp tại cơ sở.

Qua nắm bắt của Bộ Nội vụ, công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp ở địa bàn cơ sở trên cả nước tương đối đồng bộ, có hiệu quả, không gián đoạn công việc.

Ông Tuấn cũng ghi nhận nhiều địa phương đã có những cách làm mới, cách làm hay như phường Cửa Nam áp dụng công nghệ,  sử dụng AI, robot thông minh để tổ chức vận hành hệ thống trơn tru hơn.

Vị này dẫn chứng thêm, Đà Nẵng đã chủ động phối hợp với Trường Đại học FPT và Đại học Khoa học công nghệ Việt-Hàn đưa 200 sinh viên năm cuối về hỗ trợ trực tiếp công nghệ cho các đơn vị xã, phường trên địa bàn. Một số tỉnh như Thái Nguyên, Ninh Bình cũng có cách làm tương tự rất hiệu quả.

Cán bộ, công chức phải rèn luyện, nâng cao trình độ

Khi vận hành mô hình chính quyền mới, Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam cho rằng không thể tránh khỏi những áp lực đối với cán bộ công chức. Bởi lẽ sau khi sắp xếp, sáp nhập, khối lượng công việc đối với cấp phường rất lớn. 

Vì vậy, đòi hỏi cán bộ phải tiếp tục rèn luyện và nâng cao, phải sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thử thách. Theo bà Trâm, trong thời gian đầu tiên, những cán bộ ở cấp cơ sở, thậm chí là lãnh đạo chính quyền, luôn phải đồng hành để tháo gỡ khó khăn để có thể triển khai thực hiện các nhiệm vụ. 

Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Phan Trung Tuấn nhấn mạnh ý nghĩa, cấp xã là tuyến đầu, nơi gần dân nhất để giải quyết các yêu cầu hằng ngày của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Lãnh đạo phường dùng robot AI phục vụ dân, giảm áp lực cho công chức - 2

Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ (trái) (Ảnh: Nhật Bắc).

“Khối lượng công việc của cấp xã hiện nay vô cùng lớn. Chính quyền địa phương cấp xã hiện nay không chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp xã trước đây mà còn thực hiện hầu hết các nhiệm vụ của cấp huyện chuyển về khi chúng ta kết thúc hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện”, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương thông tin.

Ngoài nhiệm vụ mà chính quyền địa phương cấp xã đang thực hiện (cả cấp huyện, cấp xã cũ trước đây), cấp này còn phải thực hiện các nhiệm vụ phân cấp, phân quyền nên khối lượng công việc rất lớn, áp lực rất lớn.

Khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, ông Phan Trung Tuấn cho biết, hành chính quản trị truyền thống sẽ được chuyển đổi thành hành chính phục vụ.

Cụ thể, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã phải trực tiếp đến từng địa bàn, người dân để nắm được yêu cầu, ý kiến, nguyện vọng của họ. Từ đó, địa phương xây dựng thể chế, chính sách, ban hành các quyết sách để giải quyết các yêu cầu thực tiễn từ người dân, doanh nghiệp.

Để làm tốt nhiệm vụ trên, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cho rằng cán bộ, công chức cấp xã cần tự rèn luyện, nâng cấp mình để vừa giỏi chuyên môn, nghiệp vụ vừa có các kỹ năng trong giải quyết công việc hằng ngày.

“Yếu tố quan trọng là ngay bản thân đội ngũ cán bộ, công chức phải xác định vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình để chủ động tự đào tạo, tự bồi dưỡng, tự nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu công việc ngày càng cao”, ông Tuấn nói.

Bộ Nội vụ đang phối hợp với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố tổ chức các buổi tập huấn, gần nhất sẽ tổ chức tại tỉnh Điện Biên, TPHCM và các tỉnh, thành phố khác.

https%3A%2F%2Fdantri.com.vn%2Fnoi-vu%2Flanh-dao-phuong-dung-robot-ai-phuc-vu-dan-giam-ap-luc-cho-cong-chuc-20250724191205594.htm

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article