AI mở rộng không gian tiếp cận và lý giải các hiện tượng xã hội
Tại Hội thảo khoa học “Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo: Cơ hội và thách thức đối với nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam hiện nay”, TS Phan Chí Hiếu – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, AI đang trở thành một trong những công nghệ đột phá của thời đại, tác động sâu sắc tới mọi mặt đời sống, bao gồm cả khoa học xã hội và nhân văn. Các công cụ AI như phân tích dữ liệu lớn (big data), xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), mô hình hóa hành vi, giúp giới nghiên cứu thay đổi căn bản cách tiếp cận, phản ánh và giải thích các hiện tượng xã hội. Không chỉ cung cấp công cụ mới, AI còn định hình lại phương pháp luận và tư duy nghiên cứu.
AI đang trở thảnh trợ thủ đắc lực trong nghiên cứu khoa học xã hội. Ảnh minh họa
PGS.TS Tạ Minh Tuấn – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, AI hiện không chỉ mạnh trong khoa học tự nhiên mà đã khẳng định vai trò trong các lĩnh vực như xã hội học, tâm lý học, nhân học… Ví dụ, các mô hình như GPT-4 đang hỗ trợ việc thu thập, phân tích dữ liệu, mô phỏng chính sách, từ đó nâng cao năng lực dự báo và hiểu hành vi con người.
Tuy nhiên, AI cũng đem lại nhiều thách thức cho nghiên cứu xã hội, như vấn đề dữ liệu định tính khó chuẩn hóa, nguy cơ thiên lệch từ thuật toán, yêu cầu đạo đức nghiên cứu, bảo vệ quyền riêng tư và minh bạch học thuật.
TS Phạm Thị Thúy Nga – Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật lưu ý, khác với các ngành kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn gắn liền với ngữ cảnh xã hội, con người và các giá trị văn hóa. Vì vậy, ứng dụng AI cần một hành lang pháp lý “mềm”, linh hoạt, kết hợp giữa pháp luật, đạo đức nghiên cứu và tiêu chuẩn học thuật. “AI hỗ trợ xử lý dữ liệu tốt, nhưng không thể thay thế được tư duy phản biện, phân tích ngữ cảnh hay giá trị biểu tượng vốn là thế mạnh của con người trong lĩnh vực này”, bà Nga nhấn mạnh.
Ứng dụng AI vào nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn
Một ví dụ điển hình cho ứng dụng AI trong khoa học xã hội là lĩnh vực khảo cổ học. TS Hà Văn Cẩn – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khảo cổ học cho biết, AI đang tạo ra bước chuyển lớn trong tìm kiếm, phân tích và bảo tồn các hiện vật cổ.
Cụ thể, công nghệ thị giác máy tính (computer vision) hỗ trợ phân tích hình ảnh, ghép hiện vật bị vỡ, phát hiện di chỉ khảo cổ qua lớp đất hoặc thực hiện lập bản đồ cổ chính xác hơn. AI cũng giúp tạo bản sao số (digital twin), hỗ trợ bảo tồn bằng cách phát hiện sớm rủi ro từ môi trường như thay đổi nhiệt độ, độ ẩm, ô nhiễm không khí…
Ở Việt Nam, công nghệ 3D, AI và LiDAR đã được ứng dụng trong các nghiên cứu tại thành Cổ Loa (Hà Nội) với nhiều kết quả khả quan, giúp xác định vị trí, cấu trúc và tầng lớp khảo cổ mà không cần khai quật trực tiếp. AI cũng được áp dụng để dựng lại sơ đồ gia phả trong nghiên cứu nhân chủng học, phân tích quá trình di cư và tương tác văn hóa giữa các nhóm người.
Trong khi đó, lĩnh vực địa lý nhân văn và dự báo thiên tai cũng đang được tiếp cận bằng công nghệ AI. TS Nguyễn Đình Đáp – Viện Địa lý Nhân văn và Phát triển bền vững cho biết, với khối dữ liệu khí tượng thủy văn lớn, AI đang được huấn luyện để đưa ra các cảnh báo lũ, bão sớm và chính xác hơn. Các mô hình dự báo cường độ bão, mưa, lũ hiện tại đang được thử nghiệm và sẽ áp dụng trong mùa mưa bão 2025.
Tuy nhiên, ông Đáp cũng thẳng thắn nhìn nhận, bài toán ứng dụng AI trong dự báo thiên tai đòi hỏi đầu tư lớn vào hạ tầng thông tin, chip xử lý mạnh, và nguồn nhân lực chuyên môn cao đặc biệt là những người vừa giỏi AI, vừa am hiểu sâu ngành khí tượng thủy văn. “Hiện lực lượng này tại Việt Nam còn rất mỏng. Việc giữ chân nhân lực giỏi là một thách thức không nhỏ khi chính sách đãi ngộ chưa tương xứng”, ông chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải – Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất thúc đẩy các nghiên cứu liên ngành giữa khoa học xã hội và nhân văn với khoa học và công nghệ, đồng thời xây dựng khung pháp lý rõ ràng, phát triển AI sử dụng tiếng Việt và đẩy mạnh đào tạo đội ngũ có trình độ cao. Ông nhấn mạnh cần triển khai hiệu quả các chính sách hiện hành như Quyết định 127/QĐ-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ và Hướng dẫn đạo đức AI do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành để bảo đảm ứng dụng AI phát triển bền vững và nhân văn.
Ứng dụng AI vào nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam đang bước những bước đầu tiên với nhiều triển vọng rõ rệt. Song, để tận dụng được sức mạnh của công nghệ này, giới nghiên cứu cần đồng hành với chính sách, đầu tư bài bản vào hạ tầng, dữ liệu, nhân lực và đạo đức nghiên cứu những yếu tố mang tính quyết định trong chặng đường phát triển bền vững sắp tới.
Duy Trinh
https%3A%2F%2Fvietq.vn%2Fung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-khoa-hoc-xa-hoi-d233527.html